Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Huyền Không Lục Pháp – Những Nghi Vấn



Huyền Không Lục Pháp – Những Nghi Vấn

Lời đầu: khi nghiên cứu phong thủy hay bất kỳ môn nào, chúng ta cần có tinh thần khoa học, dám nghiên cứu, dám tìm hiểu và đặt ra câu hỏi để xem xét nhiều mặt của vấn đề. Đừng chỉ chấp nhận những gì người khác nói với bạn như là chân lý.

Từ khi Huyền Không Phi Tinh được Thẩm Trúc Nhưng phơi bày thì toàn bộ giới phong thủy thế giới và đặc biệt ở Châu Á chuyển từ Tam Hợp sang nghiên cứu Tam Nguyên. Cho tới mãi những năm 90 thì ngay cả ở Đài Loan và Hồng Kong thì Phong Thủy Tam Nguyên cũng chưa phổ biến. Ở Đài Loan vào khoảng 1993 – 1995 thì có đến 90% thầy theo Tam Hợp. Ở Hongkong cũng tương tự.

Rồi làn sóng Huyền Không Phi Tinh nhanh chóng thành trào lưu, đến khoảng năm 2000 khi một đại sư ở Hongkong viết sách hé lộ về Huyền Không Đại Quái thì cả thế giới phong thủy bị cuốn theo làn sóng mới này. Đại diện tiêu biểu và nổi tiếng nhất về HKDQ là đại sư Tăng Tử Nam đến từ Đài Loan; ông nổi tiếng vì biết 3 pháp: Kỳ Môn Độn Giáp, Huyền Không Đại Quái và Tả Tử Pháp (Kỳ thực tả tử pháp là một môn riêng biệt chứ không phải như nhiều người gán ghép đây là phép biến hào, hoán tượng). Đến 2005 thì một lần nữa HKDQ lại xuống ngôi nhường chỗ cho Lục Pháp.

Huyền Không Lục Pháp có lai lịch từ bao giờ? Có thể nói Lục Pháp là phái đã được lưu truyền từ rất lâu qua hình thức anh em, dòng tộc, sư phụ đệ tử chứ chưa bao giờ được truyền thụ công khai phổ biến mãi cho đến vài năm gần đây.

Có phải sư tổ của Huyền Không Lục Pháp là Đàm Dưỡng Ngô? Nhiều người nhầm tưởng điểm này kỳ thực thì Lục Pháp tổn tại trước khi Đàm Dưỡng Ngô viết sách, ông chỉ là người được Lý Kiền Hư Đạo Trưởng chỉ dạy cho, sau đó ông bỏ 8 năm tiếp tục nghiên cứu tiếp trước khi viết sách về Lục Pháp. Chính là cuốn Huyền Không Bổn Nghĩa đã mang lại danh tiếng cho Đàm Dưỡng Ngô mãi mấy chục năm về sau (vì lúc này thì thế giới phong thủy hệt như sàn diễn catwalk: hết Tân Phong Thủy đến Phong Thủy Cảm Xạ Học, Bát Trạch, Phi Tinh thi nhau lần lượt ra trình diễn. Khi người ta thấy chán mode thì phải xuất hiện nhiều kiến thức bí truyền khác để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Còn vào thời của Đàm Dưỡng Ngô thì thịnh hành lúc đó vẫn là Huyền Không Phi Tinh, chứ Lục Pháp thì nghe quá mới nên chưa ai tin). Nói cách khác nếu như Thẩm Trúc Nhưng vang danh vì đã hé lộ HKPT thì tiếng tăm của Đàm Dưỡng Ngô cũng tương tự, ông không sáng lập phái này nhưng vì hé lộ 1 chút trong sách nên mang tiếng tăm như người đời lầm tưởng.

Huyền Không Lục Pháp đến nay đã có nhiều thầy giảng dạy và từ đó cũng hé lộ kiến thức của nhiều dòng phái Lục Pháp khác nhau. Do đó Lục Pháp không phải chỉ có 1 dòng truyền thừa và không phải chỉ có 1 phương pháp, một lý luận như nhiều người nhầm. Một trong những tên tuổi khác của Lục Pháp là Đan Tử Kim mà ít người biết đến.

Một điều để bạn suy ngẫm: Tại sao Đàm Dưỡng Ngô lai tuyên bố Lục Pháp là đúng đắn, quay lại đả kích Phi Tinh trong khi trước đó ông viết sách, mở trường, giảng dạy rất nhiều đệ tử và rất nhiều đệ tử của ông sau này trở thành những thầy nổi tiếng về Phi Tinh?  Như vậy kiến thức Phi Tinh của ông được truyền thụ có điểm gì sai hay không?

                                              Những năm cuối đời thì Đàm Dưỡng Ngô bị mù và sống mai danh ẩn tích mà không ai còn hay biết gì về ông. Tại sao một đại sư nổi tiếng như vậy mà những năm cuối đời lại bị mù và sống mai danh ẩn tích? Có phải ông phát hiện Lục Pháp có điểm gì sai nhưng bản thân ông lại không thể tiếp tục tuyên bố công khai gì nữa vì lúc trước đã tuyên bố từ bỏ Phi Tinh mà quay sang Lục Pháp?

                                          Trong Huyền Không Bổn Nghĩa không có trích dẫn đoạn nào từ sách của Dương Quân Tùng mà chủ yếu dựa trên sách của Tưởng Đại Hồng. Trong khi toàn bộ 6 pháp mà Lục Pháp đề cao thực chất đều được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các sách của Dương Quân Tùng. Có phải chăng Lý Kiền Hư Đạo Trưởng cố tình truyền dạy cho ông không đầy đủ nên sau đó ông phải bỏ 8 năm tiếp theo nghiên cứu nhưng vẫn vô tình chưa phát hiện ra?

Những nghi vấn chờ lời giải đáp và khi nghiên cứu Lục Pháp đừng quên lật ngược lại vấn đề. Không có ai làm chủ chân lý cả. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét