Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Cuộc đời là những chuyến đi...

14-16/2: Quảng Ngãi, Đà Nẵng
17-18/2: Phan Thiết
19-23/2: Đồng Nai
1-7/4: Hà Nội
9-22/4: Malaysia, Singapore


Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Lớp Phong Thủy Tam Nguyên Thực Hành Khóa 5 (Sài Gòn): 23/2/2014

Lớp Phong Thủy Tam Nguyên Thực Hành Khóa 5 sẽ khai giảng vào ngày 23/2/2014.
Địa điểm học: Q8, TPHCM.
Mọi chi tiết về khóa học, vui lòng liên hệ: phongthuytuongminh@gmail.com

Nhân Hòa - hay Một góc nhìn giản dị về Luật Nhân Quả

Nhân Hòa - hay Một góc nhìn giản dị về Luật Nhân Quả
Ở đời có 3 yếu tố tác động đến thành công và thất bại khi chúng ta mong cầu 1 thứ gì đó: Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa. Ví dụ như cầu con, cầu công danh, sự nghiệp, tiền tài, vợ đẹp...tất cả đều nên dùng cả 3 yếu tố thì khả năng thành công sẽ rất cao. Mấy bữa trước đã nói quá nhiều về phong thủy, phép màu nào dù có mầu nhiệm nhưng cũng không qua được sự kỳ diệu của Thiêng Liêng (nói Thiêng Liêng để nhiều bạn có thể đồng cảm được dù cho theo bất kỳ tôn giáo nào), khi gieo hạt lúa chắc chắn được một bồ gạo to.

Xin giới thiệu lại một bài viết của mình ở diễn đàn nghiên cứu về ngoại cảm, tiềm năng con người đã đăng từ khá lâu:

Đã có quá nhiều chuyên gia, thiền sư, người nghiên cứu và viết về luật Nhân Quả. Mình xin giới thiệu một góc nhìn, một cách hiểu giản dị mà thâm thúy về luật Nhân Quả mà mình được nghe một vị Thầy lý giải và cảm thấy rất tâm đắc. Nay xin viết ra để giới thiệu với mọi người và hy vọng sẽ giúp thêm được nhiều người. Để dễ trình bày, xin thể hiện dưới dạng hỏi – đáp:

1. Mô tả Luật Nhân Quả một cách sơ lược nhất?
Hãy hình dung cuộc đời của bạn như một mảnh đất. Khi mỗi người sinh ra trên cuộc đời giống như một mảnh đất hoàn toàn trống không có bất cứ cây cỏ gì trên đó. Khi chúng ta làm 1 việc gì đó thì cũng giống như việc gieo trồng trên mảnh đất của chính mình. Mỗi khi chúng ta làm 1 việc tốt cũng như việc gieo 1 hạt lúa giống trên mảnh đất của mình. Mỗi khi chúng ta làm 1 việc xấu cũng như việc gieo 1 hạt cỏ dại trên mảnh đất của mình.
Hạt lúa sẽ thành cây lúa; cây lúa phát triển cho ra gạo cơm thành quả của chúng ta. Còn hạt cỏ dại sẽ làm mảnh đất cuộc đời ta toàn cỏ dại.

2. Khi tôi làm 1 việc tốt, có phải sẽ được hưởng 1 quả tốt không?

Mỗi khi chúng ta làm 1 việc tốt, tựa như việc trồng 1 hạt lúa trên mảnh đất của mình. Một việc tốt thôi chỉ như 1 nhân tốt và nếu không được tiếp tục chăm bón, bỏ công vất vả để vun trồng thì cũng tựa như đã gieo 1 hạt giống lúa tốt, nảy mầm nhưng phát triển èo uột thiếu phân thiếu nước làm sao phát triển thành cây lúa tốt? Vả lại, cần có 1 thời gian để cây kết quả, lúa trĩu hạt; làm sao anh mong đợi hôm nay làm 1 việc tốt; ngày mai ra đường gặp may mắn? Lúa phải mất 3-5 tháng mới thu hoạch được; cây ăn trái cũng mất 1 khoảng thời gian mới kết quả được. Vậy thì làm 1 việc tốt tựa như mong muốn tích công bồi đức phải mất 1 thời gian mới gặt được quả tốt và dĩ nhiên là phải liên tục làm việc thiện đức để tiếp tục vun trồng cho cây lớn, ra hoa và kết quả chứ không chỉ làm 1 việc tốt rồi bỏ luôn; 1 thời gian sau mới làm tiếp 1 việc tốt tiếp theo thì cũng như gieo hạt rồi vứt đó dăm bữa nửa tháng mới quay lại tưới bón thì cây nào mà phát triển được. Do đó đã làm việc thiện đức thì nên kiên trì, làm liên tục lúc nào còn có thể thì đều đặn làm chứ không phải làm kiểu phong trào “đóng góp giúp đồng bào lũ lụt” 1 năm làm 1-2 lần rồi vỗ ngực xưng tên ta đây làm từ thiện. Nếu làm kiểu đó chỉ phí tiền và công sức chứ hoàn toàn không thu hoạch được quả tốt nào.

3. Vậy thì chỉ có những đại gia tiền tỷ mới có thể làm từ thiện liên tục và được hưởng những quả tốt? Còn những người nghèo ít tiền thì không có điều kiện để tự vun trồng nhân tốt, gặt hái quả tốt cho chính mình?


Phật tại tâm, nếu chúng ta có tiền để làm từ thiện thì cái chúng ta nhận được là phước đức. Nếu ít tiền chúng ta có thể dùng công sức của mình để làm, cái chúng ta nhận được là công đức. Điều quan trọng là không phải chúng ta bỏ thật nhiều tiền hay công sức ra để làm việc thiện đức 1 lần rồi bỏ luôn; 1 thời gian dài sau này mới tiếp tục làm lại. Mà là có thể bỏ tiền/công sức chia ra thành nhiều lần để đóng góp. Người giàu có nhiều tiền thì họ đóng góp tiền tỷ, người không có nhiều tiền vẫn có thể làm từ thiện bằng cách quyên góp số tiền nhỏ hoặc nếu không có tiền thì dùng khả năng làm việc của mình để giúp vào.VD: không có tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa thì có thể tặng áo quần cũ hay góp sức trộn hồ tô tường. Cái đáng quý là ở tâm của họ: nếu anh làm từ thiện với mong muốn nổi danh; lấy tiếng nhà hảo tâm, còn nếu anh làm với mong muốn giúp đỡ người khác bằng hết sức của mình thì kết quả nhận được dĩ nhiên sẽ khác nhau.

4. Mất bao lâu kể từ khi tôi gieo nhân tốt cho đến lúc nhận được quả tốt? Nếu như tôi gieo nhân tốt, làm nhiều việc thiện đức liên tục mà mãi vẫn chưa thấy quả tốt thì sao?


Mất bao lâu để nhận được quả tốt thì xin thưa rằng chưa biết. Nó còn tùy thuộc vào việc anh làm là gì cũng như hạt giống anh gieo trồng là gì. Ví như việc anh giúp đỡ quyên tiền viện phí chữa 1 người bị bệnh hiểm nghèo thoát chết và việc anh quyên tiền cho người khác uống thuốc chữa cảm cúm; hạt giống khác nhau dĩ nhiên quả nhận được và thời gian thu hoạch sẽ khác nhau. Tuy vậy, cần lưu ý, nếu anh làm việc phước đức mà chỉ mong sớm thu hoạch trái ngon quả ngọt để hưởng thì cái quả anh hưởng nó không bền vững và chỉ mang tính ngắn hạn, mùa vụ thôi. Tựa như anh đi làm 1 việc tốt cho Thiêng Liêng rồi anh đòi hỏi Thiêng Liêng phải thưởng cho anh điểm này nọ, thực ra thì Thiêng Liêng cũng rất công bằng thôi; có công thì thưởng có tội thì phạt nhưng thái độ đòi hỏi như vậy không phải là thái độ nên có ở một người làm công đức giúp người.

Có một trường hợp mình đã từng nghiệm chứng như sau: chị này căn bản sinh ra có số rất nghèo, cơ cực long đong cả cuộc đời. Dù là chỉ xem tử vi trên giấy hay biết hoàn cảnh chị ngoài đời cũng không ai tin chị có thể giàu lên. Chị lại rất tin luật Nhân Quả nên dù ít tiền nhưng có bất cứ trường hợp nào có thể làm công quả, công đức chị đều không từ chối. Mãi miết gieo trồng nhân tốt đến hơn hai mươi mấy năm sau thì tự nhiên có những cơ may từ trên trời rơi xuống, quý nhân từ đâu xuất hiện giúp đỡ vốn liếng cho chị làm ăn khấm khá dần; giờ chị đã trở thành người rất giàu có. Như vậy để thấy rằng quả tốt phải mất 1 thời gian mới sinh sôi nảy nở được, thời gian kết quả có thể rất dài.

5. Như vậy thì khi làm 1 việc tốt hay 1 việc xấu, tôi sẽ nhận được 1 quả tốt hay 1 quả xấu?

Không phải như vậy. 1 nhân tốt tựa như hạt lúa khi gieo trồng và phát triển thì có khi nào lại biến thành 1 cây lúa chỉ cho 1 hạt lúa? Một cây lúa sẽ sinh ra nhiều hạt lúa. Như vậy Thiêng Liêng đã ban thưởng cho ta; khi ta làm 1 việc tốt tựa như gieo 1 nhân tốt; khi được thưởng ta sẽ được hưởng thêm nhiều quả tốt. Và không chỉ dừng ở đó. Nếu như 1 hạt giống lúa tốt được gieo, thành 1 cây lúa gồm nhiều hạt, và những hạt lúa của cây này lại tiếp tục trở thành nhân của những cây lúa trong tương lai. Như vậy nhân này thành quả kia; quả kia thành nhân nọ; cứ như vậy nhân lên hằng hà sa số. Nếu chúng ta làm 1 việc tốt, có khả năng chúng ta được thưởng nhiều; ngược lại nếu làm 1 việc xấu; có khả năng chúng ta bị phạt rất nặng. Do đó 1 việc tốt dù nhỏ cỡ nào cũng nên xắn tay áo vào làm; 1 việc xấu dù nhỏ cỡ nào cũng nên tránh xa.
Vd: khi ăn xong 1 trái chuối, chúng ta lười không vứt thùng rác mà tiện tay ném ra đường. Một em bé hay bà cụ đi ngang trượt vỏ chuối té ngã, chấn thương sọ não và mất đi làm đau khổ cho cả gia đình. Tuy nhiên sau khi vứt vỏ chuối ra đường ta đã quay lưng đi rồi nên không hay biết là việc xấu của mình làm ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người; vậy là do vô minh chúng ta vô tình tự gieo nhân xấu cho chính mình.

6. Vậy khi tôi làm 1 việc xấu thì lập tức làm 1 việc tốt ngay để xem như huề; không bị Thiêng Liêng quở phạt?
Trong tự nhiên, năng lực của cái xấu bao giờ cũng mạnh hơn cái tốt. Nhìn ra 1 mảnh đất trống, không ai gieo trồng sao vẫn tự nhiên xuất hiện cỏ dại. Có ai trồng cỏ dại đâu? Mà sao mảnh đất không tự nhiên xuất hiện lúa. Như vậy cái xấu của mỗi chúng ta tự nhiên sẽ xuất hiện mà không cần chúng ta khơi gợi và công việc tu sửa chính mình chính là ngoài việc gieo trồng lúa (làm việc thiện) ra còn phải thường xuyên làm sạch cỏ dại trên đất của mình (tu sửa bản thân). Nếu không cỏ sẽ ăn lúa. Chúng ta cứ trồng thử 1 mảnh đất toàn bộ lúa và 1 mảnh đất toàn bộ là cỏ dại và xem như không chăm sóc tưới bón gì cho 2 mảnh này; cứ để cho chúng tự phát triển. Một tháng sau chúng ta quay lại mảnh đất cỏ dại sẽ phát triển và lấn lướt mảnh đất trồng lúa thậm chí phát triển sang mảnh đất ruộng lúa và cây lúa sẽ èo uột và chết dưới sự tấn công của cỏ dại.
Như vậy nếu anh không làm 1 việc xấu hay 1 việc tốt nào, cỏ dại cũng sẽ tự nhiên phát triển trên mảnh đất của anh và làm cho đất của anh không trồng được cây gì cả. Nếu anh muốn bắt đầu trồng hạt giống tốt thì trước tiên phải làm sạch mảnh đất của mình bằng cách nhổ sạch cỏ dại; sau đó mới có thể trồng hạt giống tốt được. Một người nếu như chỉ muốn trồng lúa mong thu hoạch (làm việc tốt mong được tích công bồi đức) mà không nhổ cỏ dại (không sửa đổi tính nết; rèn luyện Bi Trí Dũng hay giữ gìn Thân Khẩu Ý) thì bao nhiêu công sức trồng lúa sẽ đổ sông đổ biển vì cỏ dại rút cuộc sẽ thắng lúa.

7. Vậy có khi nào gieo nhân tốt mà nhận được quả xấu không? Như việc làm ơn mắc oán không?
Có trường hợp mình từng đọc báo như sau: ông A vì lòng tốt cho ông B mượn tiền để xoay xở trong cảnh khó khăn. Ông B sau khi giải quyết được khó khăn thì tiếc vì phải trả lại tiền nên nghĩ cách nói xấu, bêu rếu ông A để mọi người nghĩ xấu cho ông A và ông A vì xấu hổ sẽ không dám đòi lại tiền. Kỳ thực, làm 1 việc tốt cũng như trồng 1 hạt giống, nếu như nhận được những thứ xấu xa dơ bẩn như phân thì tốt chứ sao? Vì cây muốn phát triển tốt thì có thêm phân vào; chứ có ai đem nước hoa thơm tho; trầm thơm để cho cây phát triển không? Do đó nếu làm ơn mắc oán cũng như việc gieo hạt tốt mà phải chịu phân thúi thì xem như cám ơn người khác đã giúp cây phát triển tốt. Nếu 1 người làm việc tốt mà người khác bêu rếu nói xấu thì sớm muộn cũng sẽ lộ rõ chân dung thực tướng thôi; lúc mọi người hiểu rõ thì càng thêm quý mến mình. Không nên vì người khác nói xấu mình mà mình cũng đi làm điều tương tự với người ta; vì như vậy chỉ làm tổn đức của mình thôi. Cuối cùng quả mình nhận được vẫn là tốt do nhân tốt phát triển thành.


8. Như vậy thì nếu quá khứ tôi làm việc xấu, cuộc đời của tôi trong tương lai sẽ ra sao?
Quá khứ không thay đổi được, muốn biết quả tương lai hãy xem nhân hiện tại của chúng ta. Nếu hiện nay ngày nào chúng ta cũng đi gieo hạt chanh thì không cần đi hỏi thầy bói cũng biết tương lai chúng ta sẽ nhận được 1 cây chanh to đùng với hàng chục quả chanh và hàng ngàn hạt chanh giống tương lai. Nếu hiện nay ngày nào chúng ta cũng gieo hạt lúa thì chắc chắn tương lai sẽ nhận được cánh đồng lúa trổ đòng đòng trĩu hạt. Hạt lúa sinh hạt lúa; hạt chanh sinh hạt chanh. Điều đó là không thay đổi được.

Nếu quá khứ từng làm điều xấu thì hiện tại có thể làm sạch cỏ; bắt đầu trồng lúa để tương lai hưởng quả lành. Do đó nên tâm niệm 1 điều rằng: Tương lai được làm nên từ chất liệu của hiện tại. Gieo gió thì gặt bão, gieo lúa gặt lúa. Cỏ dại không ai gieo vẫn mọc tốt. Vậy thì bạn và tôi nên gieo gì hôm nay?

Sau khi đọc xong bài này nếu bạn cảm thấy hợp lý thì nên mau mau đi gieo một hạt lúa cho tâm hồn mình sớm trổ quả, đời mình sớm có bóng mát, quả ngọt lành.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Giải phẫu thẩm mỹ có thay đổi vận mệnh không?

Giải phẫu thẩm mỹ có thay đổi vận mệnh không?

Để xét đoán vận mệnh của 1 người thì khoa tướng học Đông Phương thường dựa trên những tướng luật như: mặt tròn thì sao, mũi to thì sao…Một câu hỏi đặt ra là nếu 1 người đi làm giải phẫu thẩm mỹ thì thực sự họ có thay đổi được vận mệnh của mình không?

Vấn đề này từ trước đến nay ít có thầy trả lời cho rành mạch. Xin cố gắng hết sức để giải thích vấn đề phức tạp này thật đơn giản, dễ hiểu và ngắn gọn.

Câu trả lời chính xác đó là: Có và Không!

Nên nhớ rằng khuôn mặt và chỉ tay không bao giờ bất biến mà luôn luôn thay đổi theo thời gian. Trong các môn số học thì tử vi bát tự của mỗi người là bất biến, vì giờ sinh tháng đẻ đã sinh ra có lá số ăn mày thi làm sao chui vào bụng mẹ lại để tìm giờ sinh đế vương để chui ra lại đây? Trong đó thì chỉ có chỉ tay và tướng mặt là thay đổi từng ngày từng giờ.

Chỉ tay, tướng mặt là biểu hiện của mối quan hệ nhân quả giữa hành động và hậu quả. Nếu như lá số của anh chỉ ra rằng anh hơi tiết kiệm, không rộng rãi và hành động của anh hằng ngày cũng theo đúng bản tinh đó thì lâu dần khuôn mặt anh nhăn nhúm lại, nét keo kiệt lộ rõ trên gương mặt; gặp ai khó khăn đến xin thì anh cũng nhăn nhó lắc đầu đuổi người ta đi; lúc đó là khi tướng mặt thể hiện đúng lá số tử vi và cũng là hậu vận của anh.

Còn nếu như lá số của anh nói rằng anh không rông rãi, nhưng anh nghe theo lời Phật dạy bố thí cúng dường cố gắng bố thí cho người gặp cảnh khó khăn, giúp đỡ người nghèo thật sự, tiết kiệm tiền vừa đủ cho bản thân và gia đình thì khuôn mặt anh dần dần sẽ có nét rộng rãi, khoáng đạt. Dần dần những nhân bố thí sẽ trổ thành quả phú quý, anh sẽ có được thêm tài lộc, khuôn mặt sẽ biến đổi dần sang nét của một người có phúc đức, trên chỉ tay nhân định xuất hiện nét cát tường hơn trên tay thiên định. Đó là lúc mà tướng mặt, chỉ tay sẽ biến đổi hơn so với lá số tử vi.

Ở đây bật mí 1 bí mật nghề nghiệp này: đó là 80% các lá số tử vi nếu gặp cao thủ luận đoán thì sẽ hầu như đọc được cuộc đời của khách hàng như đọc 1 quyển sách (tiếng anh gọi là Destiny Reader – người đọc vận mệnh). Đó là vì đa số con người ta ít có làm nhiều điều phước thiện lớn để thay đổi cuộc đời; khi mà gặp những người nỗ lực làm nhiều điều phước thiện thì các thầy giỏi tử vi xem sẽ không còn chính xác nữa; vì lá số là bất di bất dịch; nhưng mệnh này của họ đã được biến đổi rồi thì làm sao cứ xem theo lá số cũ được nên cần phải biết xem tướng mặt, chỉ tay kèm theo để biết thực tế cuộc sống của họ và lá số còn có độ lệch lớn nhỏ ra sao.

Trong tướng pháp có câu nói: “Tướng do tâm sinh”. Tướng mặt và chỉ tay con người thực chất là chỉ tính cách của con người đó như thế nào, từ tính cách mới suy ra vận mạng của người đó chứ không phải là cổ nhân dựa trên các nét tướng mặt rồi suy ra ngay vận mạng của người đó. Nếu ai đọc sách thấy các sách bày bán trong các nhà sách hiện nay nói về tướng pháp sẽ thấy hầu hết các câu thiệu luận kiểu như “Đàn ông tướng mũi to, sống mũi cứng…thì giàu có”, ai đảm bảo cho những câu này là đúng? Trong hoàn cảnh nào thì đúng, hoàn cảnh nào lại là sai? Người ngày nay do tính thực dụng nên chỉ còn quan tâm cái ngọn, tức học những môn này muốn mau mau biết xem mà không chịu bỏ thời gian tìm hiểu cái gốc nên rốt cuộc học thuộc lòng thật nhiều những điều như trên (sách gọi là tướng luật) mà không hiểu tại sao người xưa đi đến kết luận đó nên không đạt được thành công khi nghiên cứu tướng pháp nói riêng và các môn phong thủy, mệnh lý phương Đông nói chung.

Một trong những câu kinh điển mà Việt Nam và Trung Quốc hay áp dụng khi xem tướng mặt là: “Người phụ nữ có gò má cao thì sát phu, không nên lấy vợ như vậy thì chồng dễ chết sớm”. Thực chất thì đây là người phụ nữ có khả năng lãnh đạo, cầm quyền nên theo quan điểm phong kiến của Nho Giáo trọng nam khinh nữ thì người chồng ở chung với người vợ như vậy dễ bị lấn át quyền gia trưởng. Theo Nho Giáo thì “phu xướng phụ tùy”, người nữ nào mà nắm quyền trong nhà, người chồng yếm thế thì đều là không tốt nên lâu ngày người chồng đâm phiền não, phẫn uất mụ “sư tử Hà Đông” trong nhà, ra đường bị chê là sợ vợ mà tức khí ho ra máu, chết sớm. Nếu chiếu theo quan điểm bình đẳng giới, xã hội hiện đại ngày nay thì những người phụ nữ như vậy rất có khả năng làm nữ thủ tướng, làm CEO, giám đốc, trưởng phòng  các công ty, hay thậm chí những người như vậy thì mới hỗ trợ được chồng tốt. Nếu người chồng là 1 người tài giỏi thì ít nhất vợ cũng phải đảm đang, thao lược mọi việc trong nhà, có trình độ kiến thức, văn hóa xã hội tương đương như kiểu “Sau lưng 1 người đàn ông thành công là một phụ nữ giỏi giang” chứ chẳng lẽ chồng làm CEO, vợ có trình độ như Oshin thì làm sao hôn nhân bền vững đây?

Do đó người học các môn phương Đông cần phải biết cả về văn hóa, tư tưởng Nho Giáo, Khổng Giáo phong kiến thời xưa thì mới biết tại sao có nhiều điều cấm kỵ trong phong thủy, mệnh lý mà ngày nay không còn đúng nữa. Ví như trong các công thức tính toán về phong thủy thì bất cứ khi nào có công thức nào có lợi cho phụ nữ mà bất lợi cho đàn ông thì phong thủy đều phán là xấu! Nếu ứng dụng cho những căn nhà có single mom, người mẹ đơn thân đã ly dị chồng; hay những phụ nữ mạnh mẽ không cần đàn ông hoặc cho những gia đình mà có sự phân công chồng tình nguyện ở nhà đảm lược nội trợ và nghiên cứu; vợ ra ngoài kinh doanh kiếm tiền mà cả nhà vẫn vui vẻ êm ấm thì đâu có gì phải cứng nhắc cho đó là phong thủy xấu?

Như đã nói ở trên thì “Tướng do tâm sinh”. Tâm ở đây chính là tình cảm, suy nghĩ của 1 người. Phương Tây có câu “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Do đó số phận, vận mạng là cái cuối cùng, mọi sự đều do tâm người suy nghĩ mà ra; tướng pháp là cách để nhìn ra tâm họ đang như thế nào?

Lấy ví dụ: nhà bạn ở cạnh một ngôi chợ ngày ngày nghe ngôn ngữ hàng tôm hàng cá riết rồi con bạn nhiễm theo, mặt mày cau có, hỗn láo, xấc xược, nhìn ra là có tướng làm ăn cướp, đâm chém. Nhưng nếu bạn dọn nhà đến gần trại trẻ mồ côi, hay chùa chiền, ngày ngày bạn vào chùa quét sân phụ, nghe sư giảng đạo lý, Phật pháp, dần dần mặt mày khoan dung, hiền từ, gặp ai cũng nói lời nho nhã, ngọt ngào thì gương mặt cũng tròn đầy, phúc hậu. Đó là “Tướng do tâm sinh”.

Khi bạn làm trang điêm hay phẫu thuật thẩm mỹ thì đó là bạn thay đổi gương mặt thể hiện của mình. Đây là dùng thủ thuật để biến đổi cái nhìn bên ngoài của bạn bằng cách đánh lừa các thầy xem tướng mặt. Nếu nhìn trên nét mặt mới này của bạn mà đánh giá thôi thì sẽ sai lầm và khó biết trong tâm của bạn ra sao. Tuy nhiên khi bạn có 1 khuôn mặt mới thì lúc soi gương, khi giao tiếp xã hội thì suy nghĩ, thái độ của bạn cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn; đối với những cô nào mặc cảm mũi tẹt, mắt 1 mí thì sẽ tự tin hơn, nhận được nhiều may mắn khi tham gia các ngành nghề trong giới showbiz hay may mắn có nhiều người theo đuổi hơn, vận đào hoa và tài lộc có biến đổi. Đó là trường hợp “Tướng làm đổi tâm” và từ tâm thay đổi sẽ biến đổi ngược lại tướng.

Tuy nhiên, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ có tác dụng giới hạn mà thôi; đó là những nét chính của gương mặt là xương chứ không phải các mô mềm. Thường người ta chỉ giải phẫu thay đổi các mô mềm như môi, mắt, má…chứ ít người thay đổi các phần xương như xương trán, vị trí lỗ tai, ….nên xét về phần luận đoán thì vẫn có thể đoán đúng được những nét chính.

Và vì đã nói “Tâm” là nguồn là gốc của thay đổi “Tướng” nên nếu chưa đổi tâm hoàn toàn thì tướng cũng chưa thể thay đổi trọn vẹn. Sau khi giải phẫu thẩm mỹ thì gương mặt, chỉ tay của người đó vẫn tiếp tục biến đổi theo thời gian cho đến khi mất đi nên dù cho bạn thay đổi giải phẫu nhiều nhưng tướng sau đó vẫn biến đổi theo tâm bạn; nếu tâm bạn xấu thì tướng vẫn đi theo chiều xuống chứ không thể ngừng biến đổi được.

Ngoài ra, vì tướng pháp là một nghệ thuật sự tổng hòa, hòa hợp của nét trên gương mặt nên nếu bạn chỉ thay đổi phần này mà không thể thay đổi các phần khác (như xương) thì có khi sự thay đổi của bạn sẽ là tốt về điều này nhưng lại xấu về khía cạnh khác. Đâu có ai thay đổi được cuộc đời tốt 100% đâu. Được cái này sẽ mất cái khác.

Tại sao các cô người mẫu, diễn viên showbiz hiện nay thay nhau đi gọt cằm cho nhọn, xinh? Đó là vì theo tướng pháp: người có cằm nhọn thường dễ thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn, được nhiều người ái mộ. Tuy nhiên, người có cằm nhọn thường sẽ bất hạnh về cuối đời, cô đơn, lẻ loi, không có người thân, bạn bè xung quanh để giúp đỡ. Đó là lý do vì sao bạn thấy nhiều người đẹp lừng lẫy một thời, khi về già thường chỉ có 1 mình, không nơi nương tựa, không xu dính túi.

Do đó đối với trào lưu các cô đi gọt cằm như hiện nay thì có thể họ nghe theo lời 1 thầy tướng nào đó nói nhưng thầy đó lại không nói cho họ biết hậu quả mà cũng có thể họ bất chấp hậu quả mà muốn thành công mau chóng vậy. Âu cũng là nhân quả thường tình, có ai đạt được điều gì mà không phải trả giá đâu?