Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Hé Lộ Tử Bạch Quyết

Từ khi Huyền Không Phi Tinh được Thẩm Trúc Nhưng viết sách và công bố rộng rãi thì người ta thường biết đến Tử Bạch Quyết. Tử Bạch Quyết gồm 2 quyền Thượng và Hạ và được viết ra vào đời Đường (618 – 907). Người đời chủ yếu chỉ biết là Tử Bạch Quyết viết về ý nghĩa của 81 kết hợp của các sao trong Cửu Tinh, thực ra đây là nội dung của quyển Hạ, tương đối dễ hiểu; ví dụ như cặp 1-4 thì là Nhất Tứ Đồng Cung chủ về học vấn….tốt xấu. Vì Thẩm Trúc Nhưng chỉ hiểu được quyển Hạ nên mới viết và trích dẫn từ đây ra là phần nhiều.

Tuy nhiên quyển Thượng mới nói về cách sử dụng, phi tinh, ai tinh bàn theo Tử Bạch tức là cách lập ai tinh khác hoàn toàn với cách của họ Thẩm cũng như cách phi lưu niên, lưu nguyệt, nhật, thời tinh không giống với cách phổ biến ngoài xã hội cũng như việc luận đoán các cung cũng khá đặc biệt. Tức là quyển Thượng mới thật sự ẩn chứa bí quyết của Huyền Không Phi Tinh mà ít nguoi biết đến hay hiểu thấu.

Xin hé lộ ra 2 bí quyết sử dụng Tử Bạch Quyết như sau trong việc luận đoán tốt xấu của các cung trong nhà:

Bí quyết thứ 1: Ví dụ nhà bạn hướng Bắc nhập trạch trong vận 8 thì sẽ lấy sao Cửu Tử nhập trung cung phi thuận theo Lường Thiên Xích. Bố trí ai tinh xong thì tùy theo ngũ hành sinh khắc tỷ hòa của của cửu tinh so với trung cung mà luận tốt xấu.

Bí quyết thứ 2: Nếu nhà bạn hướng Bắc muốn biết lưu niên tinh 2013 tác động đến cửa hướng Bắc ra sao thì phải lấy sao lưu niên chiếu đến hướng Bắc trong năm nay là sao Tham Lang nhập trung rồi phi theo Lường Thiên Xích.

Nếu là cao thủ thì chỉ cần nói như vậy là đủ hiểu rồi.


Âm Dương - Phong Thủy TPHCM

Dương nhẹ và trong nổi lên trên, Âm đục và nặng chìm xuống dưới. Ở nơi đồng bằng cần chọn nơi cao để ở; Ở nơi vùng cao cần chọn nơi thấp để ở.

Con người sống trong 1 căn nhà rất cần dương khí để sống khỏe mạnh, suy nghĩ lành mạnh, tích cực để làm việc, học tập. Do đó từ xưa cung điện hoàng đế được đặt tại nơi bình dương bằng phẳng nhưng lúc nào cũng chọn nơi cao hơn, xây dựng cho nền nhà cao hơn hẳn so với mặt đường. Đó là vì nhà ở cao đón dương khí nhiều thì người trong nhà đó mới có tư cách thanh cao, sang quý. Chỉ có nhà dân thường sống ở vùng quê ruộng đồng mới làm thấp bằng mặt đường mà thôi còn nhà quan quyền, địa chủ phú hộ luôn cố gắng làm cao để đón được nhiều dương khí hơn. Hiện nay bạn đi các cơ quan nhà nước như kho bạc, bộ công an, cục thuế…luôn được xây cao, nhiều bậc cao hơn hẳn so với mặt đường; còn khi đi tham quan Tử Câm Thành Bắc Kinh hay Cố Đô Huế thì muốn lên đến điện phải đi nhiều bậc thang lên rất cao.

Nếu như ở quá thấp thì con người chỉ đón nhận âm khí do đó ông bà xưa khuyên không nên nằm ngủ, sinh hoạt dưới nền đất vì sẽ dễ bị “hơi đất” bốc lên. Đó là vì âm khí nặng chìm xuống dưới hay nói 1 cách khoa học thì khí Oxy nhẹ nên nổi lên cao, khí Cacbonic nặng chìm xuống dưới mà con người sống cần dưỡng khí chứ nếu ngủ suốt đêm mà hít thở toàn thán khí thì khỏe làm sao đặng. Vậy nên những bạn sống trong những căn nhà trọ nhỏ xíu dành cho sinh viên hay công nhân thường không có giường mà phải trải chiếu nằm dưới đất thì rất khó có sức khỏe tốt; tốt nhất là nên nằm trên gác hay ít nhất kê nệm lò xo cao 1 gang cũng như máy tính laptop, đồ dùng điện tử không nên đặt dưới đất vì hơi ẩm đại diện cho khí âm cũng nằm dưới đất sẽ xâm nhập làm sét hỏng các vật kim loại.

Những ngôi nhà hiện nay nằm gần các cầu vượt mà có độ cao thấp hơn cầu hay thấp hơn mặt đường do đường nâng lên nhiều lần thì chẳng những là khi mưa gió thì bị nước tràn vào nhà mà nguy hiểm hơn là bao nhiêu âm khí tràn vào nhà, người trong nhà thường sẽ dễ bị biến chất về tính cách: bần tiện, tham lam, ác độc hay kinh tế tài lộc cũng suy kém đi, sức khỏe yếu dễ bị bệnh về đường hô hấp, xương cốt kém. Nếu bạn nào ở Thủ Đức thì nên để ý Siêu Thị Coopmart  Xa Lộ Hà Nội từ khi hoàn thành cầu vượt Xa Lộ Hà Nội thì tình hình kinh doanh ở đây thế nào.

Nhìn chung ở vùng đồng bằng thì nơi cao phát Quý, nơi thấp phát Phú nhưng nơi nào quá cao hay quá thấp thì lại xem là Thái Cực, tức quá Dương hay quá Âm; dĩ nhiên đều là nơi không tốt. Ở Sài Gòn thì nơi có độ cao nhất là nằm ở phía Bắc – Đông Bắc, một phần Tây Bắc (thuộc bắc huyện Củ Chi, đông bắc quận Thủ Ðức và quận 9), với dạng địa hình lượn sóng, độ cao trung bình 10-25 m và xen kẽ có những đồi gò độ cao cao nhất tới 32m, như đồi Long Bình (quận 9). Thủ Đức – Q9 ngày xưa có chung tên là Thủ Đức; các thầy địa lý hay gọi đùa đây là vùng Thức Đủ. Nơi cao sơn thực địa thích hợp làm nhà thờ, chùa chiền vì người ở đây quá Quý nên chủ về phát triển tâm linh hơn là vật chất, thích đi tu, làm đạo sĩ nên vùng Thủ Đức, Hóc Môn từ xưa đến nay luôn là vùng có nhiều chùa chiền, là nơi tu ẩn của nhiều thầy bói, bùa ngải, địa lý. 

Đó cũng là lý do các bạn thấy những vùng núi cao luôn được chọn để xây những chùa, thiền viện như Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, chùa Bà Chúa Xứ, chùa Bà Châu Đốc, Điện Bà Tây Ninh, Cao Đài Thánh Thất…vì con người những nơi này hướng thượng. Cũng vì nơi cao phát Quý nên Làng Đại Học Quốc Gia nên đặt ở đây vì các em Thức Đủ để học hành chứ, cũng như Văn Miếu Trấn Biên (biểu tượng của giáo dục) của miền Nam được đặt ở Biên Hòa, nơi tương đối cao mà lại được đặt ở gò cao nhất Biên Hòa là vùng Bửu Long. Cũng như vậy nếu bạn nhìn về Hóc Môn, Củ Chi nơi mệnh danh “Mười tám thôn vườn Trầu” hay “Đất thép thành đồng”; những nơi này con người có tính cách quyết liệt nên dễ đấu tranh cách mạng nhưng ít thành công trong kinh doanh, tài lộc; đó là phát Quý mà ít phát Phú. Các bạn nhìn xem, nghĩa trang thành phố hay nghĩa trang liệt sỹ thành phố được đặt ở đâu, có phải đều là Thủ Đức hay không?

Riêng vùng đất quá thấp thường chủ về Âm nhiều nên những vùng này con người dễ bần tiện, suy thoái đạo đức. Vùng thấp trũng ở phía Nam-Tây Nam và Ðông Nam thành phố (thuộc các quận 9, 8,7 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Vùng này có độ cao trung bình trên dưới 1m và cao nhất 2m, thấp nhất 0,5m. 

Một trong những vùng thấy rõ nhất là Thanh Đa hay quận Bình Thạnh. Quận Bình Thạnh được thầy địa lý gọi là Thành Bịnh (miền Bắc gọi là Thành Bệnh), là vì nơi này trũng thấp, giao nhau của nhiều dòng sông, kênh dơ, lại chủ âm khí nhiều nên các nhà nghỉ, khách sạn, hớt tóc thanh nữ, massage, karaoke, nói chung là tệ nạn xã hội dính dáng đến nữ giới khá nhiều vì nữ là Âm; bao nhiêu năm nay báo chí viết khá nhiều vẫn không phá được tình trạng ở đây. 

Hay vùng Nhà Bè, Cần Giờ thì là nơi quá trũng thấp nên ở đây cũng thường phát sinh tệ nạn cờ bạc, con người ít thành đạt trong cuộc sống, dễ bị nghèo đói bần cùng. Nhưng bạn đừng nói vùng Phú Mỹ Hưng cũng là nơi như vậy nha, vùng này đã được cải tạo đất đai địa lý bởi tập đoàn Lawrence S.Ting khá nhiều nên phải xét nhiều điểm khác nữa chứ không giống Nhà Bè. Nói chung thì các vùng chủ về Âm thì chỉ nên chọn làm nơi nghỉ mát, du lịch, vui chơi chứ không nên chọn để ở vì ở lâu ngày thì con người dễ biến chất, ương hèn, lười nhác mà Thành Bịnh. Đó là nói chung chứ nếu bạn ở vùng Nhà Bè nhưng xây nhà cao hay ở chung cư thì lại khác.

Do đó không nên chọn ở nơi Thái Âm hay Thái Dương mà nên chọn ở nơi Âm Dương hòa hợp, tức đừng cao hay thấp quá so với mặt bằng chung. Vì chúng ta trong cuộc sống ai cũng cần Phú và Quý.

Lưu ý: Những nguyên lý nói trong bài này chỉ để giải thích cho dễ hiểu, việc áp dụng xét trong thực tế cần phải xét nhiều yếu tố khác chứ không chỉ đơn giản như vậy.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Huyền Không Lục Pháp – Những Nghi Vấn



Huyền Không Lục Pháp – Những Nghi Vấn

Lời đầu: khi nghiên cứu phong thủy hay bất kỳ môn nào, chúng ta cần có tinh thần khoa học, dám nghiên cứu, dám tìm hiểu và đặt ra câu hỏi để xem xét nhiều mặt của vấn đề. Đừng chỉ chấp nhận những gì người khác nói với bạn như là chân lý.

Từ khi Huyền Không Phi Tinh được Thẩm Trúc Nhưng phơi bày thì toàn bộ giới phong thủy thế giới và đặc biệt ở Châu Á chuyển từ Tam Hợp sang nghiên cứu Tam Nguyên. Cho tới mãi những năm 90 thì ngay cả ở Đài Loan và Hồng Kong thì Phong Thủy Tam Nguyên cũng chưa phổ biến. Ở Đài Loan vào khoảng 1993 – 1995 thì có đến 90% thầy theo Tam Hợp. Ở Hongkong cũng tương tự.

Rồi làn sóng Huyền Không Phi Tinh nhanh chóng thành trào lưu, đến khoảng năm 2000 khi một đại sư ở Hongkong viết sách hé lộ về Huyền Không Đại Quái thì cả thế giới phong thủy bị cuốn theo làn sóng mới này. Đại diện tiêu biểu và nổi tiếng nhất về HKDQ là đại sư Tăng Tử Nam đến từ Đài Loan; ông nổi tiếng vì biết 3 pháp: Kỳ Môn Độn Giáp, Huyền Không Đại Quái và Tả Tử Pháp (Kỳ thực tả tử pháp là một môn riêng biệt chứ không phải như nhiều người gán ghép đây là phép biến hào, hoán tượng). Đến 2005 thì một lần nữa HKDQ lại xuống ngôi nhường chỗ cho Lục Pháp.

Huyền Không Lục Pháp có lai lịch từ bao giờ? Có thể nói Lục Pháp là phái đã được lưu truyền từ rất lâu qua hình thức anh em, dòng tộc, sư phụ đệ tử chứ chưa bao giờ được truyền thụ công khai phổ biến mãi cho đến vài năm gần đây.

Có phải sư tổ của Huyền Không Lục Pháp là Đàm Dưỡng Ngô? Nhiều người nhầm tưởng điểm này kỳ thực thì Lục Pháp tổn tại trước khi Đàm Dưỡng Ngô viết sách, ông chỉ là người được Lý Kiền Hư Đạo Trưởng chỉ dạy cho, sau đó ông bỏ 8 năm tiếp tục nghiên cứu tiếp trước khi viết sách về Lục Pháp. Chính là cuốn Huyền Không Bổn Nghĩa đã mang lại danh tiếng cho Đàm Dưỡng Ngô mãi mấy chục năm về sau (vì lúc này thì thế giới phong thủy hệt như sàn diễn catwalk: hết Tân Phong Thủy đến Phong Thủy Cảm Xạ Học, Bát Trạch, Phi Tinh thi nhau lần lượt ra trình diễn. Khi người ta thấy chán mode thì phải xuất hiện nhiều kiến thức bí truyền khác để thỏa mãn sự hiếu kỳ. Còn vào thời của Đàm Dưỡng Ngô thì thịnh hành lúc đó vẫn là Huyền Không Phi Tinh, chứ Lục Pháp thì nghe quá mới nên chưa ai tin). Nói cách khác nếu như Thẩm Trúc Nhưng vang danh vì đã hé lộ HKPT thì tiếng tăm của Đàm Dưỡng Ngô cũng tương tự, ông không sáng lập phái này nhưng vì hé lộ 1 chút trong sách nên mang tiếng tăm như người đời lầm tưởng.

Huyền Không Lục Pháp đến nay đã có nhiều thầy giảng dạy và từ đó cũng hé lộ kiến thức của nhiều dòng phái Lục Pháp khác nhau. Do đó Lục Pháp không phải chỉ có 1 dòng truyền thừa và không phải chỉ có 1 phương pháp, một lý luận như nhiều người nhầm. Một trong những tên tuổi khác của Lục Pháp là Đan Tử Kim mà ít người biết đến.

Một điều để bạn suy ngẫm: Tại sao Đàm Dưỡng Ngô lai tuyên bố Lục Pháp là đúng đắn, quay lại đả kích Phi Tinh trong khi trước đó ông viết sách, mở trường, giảng dạy rất nhiều đệ tử và rất nhiều đệ tử của ông sau này trở thành những thầy nổi tiếng về Phi Tinh?  Như vậy kiến thức Phi Tinh của ông được truyền thụ có điểm gì sai hay không?

                                              Những năm cuối đời thì Đàm Dưỡng Ngô bị mù và sống mai danh ẩn tích mà không ai còn hay biết gì về ông. Tại sao một đại sư nổi tiếng như vậy mà những năm cuối đời lại bị mù và sống mai danh ẩn tích? Có phải ông phát hiện Lục Pháp có điểm gì sai nhưng bản thân ông lại không thể tiếp tục tuyên bố công khai gì nữa vì lúc trước đã tuyên bố từ bỏ Phi Tinh mà quay sang Lục Pháp?

                                          Trong Huyền Không Bổn Nghĩa không có trích dẫn đoạn nào từ sách của Dương Quân Tùng mà chủ yếu dựa trên sách của Tưởng Đại Hồng. Trong khi toàn bộ 6 pháp mà Lục Pháp đề cao thực chất đều được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các sách của Dương Quân Tùng. Có phải chăng Lý Kiền Hư Đạo Trưởng cố tình truyền dạy cho ông không đầy đủ nên sau đó ông phải bỏ 8 năm tiếp theo nghiên cứu nhưng vẫn vô tình chưa phát hiện ra?

Những nghi vấn chờ lời giải đáp và khi nghiên cứu Lục Pháp đừng quên lật ngược lại vấn đề. Không có ai làm chủ chân lý cả.