Huyện Gia Lâm của thành phố Hà Nội có 1 địa thế đặc biệt, tuy là 1 quận huyện thuộc Hà Nội nhưng lại đặc biệt hơn các quận huyện khác là có vị trí nằm ở kia của dòng sông Hồng, đối nghịch với phần lớn diện tích của Hà Nội. Trong bài này chúng ta sẽ thử phân tích đối chiếu lịch sử phát triển vài thập niên gần đây của Hà Nội và huyện Gia Lâm dưới lăng kính của thủy pháp Huyền Không.
Theo nhà lịch sử Lê Văn Lan thì Gia Lâm có gốc tên là Kẻ Lầm, về mặt địa lý học - lịch sử ,Lầm (lầm ,lội,lầy lội …) luôn là tên gọi của một vùng đất có nhiều nước . “Kẻ Lầm” ,sở dĩ có và mang tên gọi này ,bởi vì đây chính là địa điểm nằm trên ngã ba sông Đuống và sông Dâu.
Thời kỳ vận 7 (từ 1984 – 2003) thì Gia Lâm được biết đến nhiều với 2 khu vực nổi tiếng: làng Lệ Mật chuyên nuôi bán rắn; và các khu vực nhà nghỉ khách sạn bình dân với câu cửa miệng “Ăn Cấm Chỉ, nghỉ Gia Lâm, nằm Văn Điển”.
Theo lịch sử thì làng Lệ Mật đã nuôi bán rắn thì rất lâu đời (từ thời nhà Lý – vua Lý Nhân Tông) nhưng đến thập niên 90 thì nổi tiếng khắp cả nước. Một phần vì đời sống kinh tế khá giả nên các quý ông thích nâng cao “sức khỏe” nên liên tục tìm đến các món nhậu, rượu rắn để mong mạnh mẽ.
Sở dĩ có lý do này là vì văn hóa phương Đông nhìn nhận sự việc theo hình dáng; các vật nào nhọn cứng chỉa lên trời thì được xem là Dương và tốt cho đàn ông như sừng tê giác, dứa, măng; cũng vậy theo quan điểm ăn gì bổ nấy: ăn tim bổ tim, thương con học bài vất vả thì cho ăn óc heo với mong muốn con mình bổ não giống “trí tệ” của con heo, nên người ta nghĩ là ăn con rắn thì bổ “rắn” để mong ngóc đầu mạnh mẽ giống rắn hổ mang.
Thực ra thì nếu nhìn hình dáng của huyện Gia Lâm thì đầu nhọn chữ bát nơi ngã 3 sông chính là hình tượng của đầu và lưỡi rắn. Theo sách địa lý cổ thì rắn không hẳn là hình tượng xấu vì thực chất Tỵ đứng cạnh Thìn trong 12 con giáp chính là hình tượng thực của con Rồng truyền thuyết. Chính là hình dáng của con rắn uốn lượn, linh hoạt, sống động khiến người ta tưởng tượng đến 1 con rồng vĩ đại với thân hình tương tự. Không phải là cá chép hóa rồng mà chính là rắn mới là 1 con “Tiểu Long” chính hiệu. Do đó gặp dáng thế đất tựa như rắn cũng là 1 thế đất quý.
Trong vận 7 sở dĩ 2 ngành nghề: nuôi rắn và nhà nghỉ phát đạt chính là vì ở phía Tây của Gia Lâm là sông Hồng. Theo thuyết Linh Chính Thần của Huyền Không Đại Quái thì nếu trong vận 7 mà có nước ở phía Tây thì ảnh hưởng xấu đến con người tại đây, nhất là phía Tây tượng quẻ là Đoài, con gái út, cũng là Đào Hoa Môn. Tử Bạch Quyết có nói “Thất Xích thấy nước, phạm thủy pháp chính là nam nữ gian dâm, tình ái bất chính”.
Do đó đối tượng bị xấu chính là thiếu nữ trẻ và các vấn đề liên quan đến tình ái. Đoài cũng là tượng của rắn nên làng Lệ Mật phất to. Ngoài 2 ngành nghề trên thì nói chung Gia Lâm vẫn là 1 vùng nghèo, kinh tế chậm phát triển.
Ngược lại, kinh tế và con người của các quận huyện khác của Hà Nội phát triển tốt là vì như đã nói, phần lớn Hà Nội được dòng sông Hồng ôm ấp ở phía Đông và Đông Bắc. Do đó trong vận 7, Hà Nội (trừ Gia Lâm) ở phía Đông gặp nước nên kinh tế phát triển tốt; ở phía Tây gặp đúng Chính Thần do các dãy núi ở Phú Thọ, Hòa Bình bao bọc nên con người cũng phát triển tốt.
Đến năm 2004, UBND Hà Nội chia Gia Lâm tách 1 phần làm quận Long Biên. Năm 2004 là năm khởi đầu của vận 8. Trong vận 8 thì phía Tây Nam phải có nước thì kinh tế mới thuận lợi; nếu gặp núi hay đất cao thì xấu; ngược lại phía Đông Bắc không nên thấy nước.
Trong vận 8 (từ 2004 – 2023) thì ở phía Đông Bắc của Hà Nội lại là sông Hồng chảy cuồn cuộn, phía Tây Nam lại không thấy nhiều ao hồ, sông suối nên kinh tế Hà Nội trong vận 8 ít nhiều không còn phát triển tốt như giai đoạn trước 2004.
Ngược lại thì vùng đất Gia Lâm, Long Biên thì nằm ở bờ bên kia nên dòng sông Hồng là nằm ở phía Tây Nam nên kinh tế sẽ có nhiều cơ hội tốt.
Cụ thể khu vực Long Biên được nhiều chủ đầu tư đầu tư dự án khu đô thị.
Xét thử 1 dự án mới nhất là Vincom Long Biên. Vincom Long Biên được đặt ở vị trí sao cho đường dẫn Thủy Khí từ cầu Vĩnh Tuy vào đến trung tâm Vincom Long Biên là nằm ở phía Tây Nam của khu đô thị này. Như vậy thủy vượng tài lộc từ linh thần Tây Nam được các phương tiện xe dẫn vào khu Tây Nam khiến cho cư dân tại đây thêm thịnh vượng.
Con đường dẫn từ cầu Vĩnh Tuy vào lại được thiết kế nhiều gờ giảm tốc và lại hơi uốn lượn ở nhiều khúc quanh nên khiến cho tốc độ xe chỉ khoảng ở mức 40-50 km/h; đây là mức tốc độ lý tưởng để dẫn dắt Sinh Khí. Tưởng tượng nếu không có gờ giảm tốc hay là chủ đầu tư làm con đường thẳng thì xe cộ chạy rất nhanh, khiến cho Sinh Khí khó tụ mà dễ biến thành Sát Khí bay đi mất.
Ở phía cuối cùng của con đường này tức gần Vincom Center là một hồ lớn tự nhiên tại đây, hồ này chính là nơi giúp tụ Khí lại, vì nếu dẫn Khí vào mà không có Thủy lớn để tụ thì Khí cũng dễ dàng bị thất tán. Nếu sau này chủ đầu tư cho trồng thêm nhiều cây xanh ở dọc theo con đường dẫn vào hay trổng quanh khu vực hồ này để che chắn bớt gió là tuyệt vời nhất để bảo tồn Sinh Khí.
Nếu xem phần ngã 3 nơi chia tách dòng sông Đuống và sông Hồng là nơi đầu và lưỡi “Tiểu Long” thì hồ nước này chính là con mắt, nơi quan trọng nhất của vùng Gia Lâm Long Biên. Như vậy việc đặt khu đô thị Vinhomes và Vincom Center tại địa điểm này khá là đắc địa. Nếu như vùng Gia Lâm Long Biên được hưởng Linh Thần tài lộc ở phía Tây Nam thì Vincom lại nằm ở vị trí trung tâm của vùng này.
Nếu nhìn sang vận 9 (2024 – 2043) thì Linh Thần Tài Lộc lúc đó sẽ ở hướng Bắc, nếu như phía Bắc thấy thủy chính là thấy tài lộc. Nhìn về phía Bắc của Gia Lâm Long Biên hay phía Bắc của khu đô thị Vinhomes cũng chính là nơi được dòng sông Đuống ôm ấp mơn trớn. Như vậy tài vận của khu vực này sẽ tiếp tục thịnh vượng từ bây giờ 2014 – 2043.
Đồng thời nhìn về phía Bắc của phần lớn thủ đô Hà Nội chính là gần khu vực cầu Nhật Tân cũng là nơi dòng sông Hồng ôm ấp, uốn lượn.
Do đó trong vận 9 sắp đến, cả Hà Nội và khu vực Gia Lâm Long Biên về kinh tế đều sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Một vài dòng chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét