Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Những kiêng kỵ đầu năm theo phong thủy? Mê tín!

Mình thật sự dị ứng với những bài viết kiểu như “Cắm hoa tết hợp phong thủy”, "Những kiêng kỵ đầu năm theo phong thủy" cái gì cũng gán mác phong thủy vào. Xin trình bày dưới dạng hỏi đáp để mọi người dễ hiểu và theo dõi.
 
Hỏi: Hoa nào không nên cắm trên bàn thờ?
 
Theo bài viết từ Yahoo: 
“Hoa cúc áo (hoa cứt lợn), tuy bông hoa xinh xắn, màu đẹp, chữa bệnh rất tốt, nhưng chỉ cắm chơi được chứ không thể đặt lên ban thờ nơi có thần linh và gia tiên bởi cái tên của nó không đẹp.”
“Hoa đại (sứ, chămpa) thơm, màu đẹp, nhưng không dùng cúng trên bàn thờ vì giống bộ phận sinh dục nữ, còn theo tích Lào thì là chuyện tình yêu trai gái nên cũng không dùng.”
“Với hoa ly rực rỡ, thơm ngát không nên dâng lễ Phật nhưng có thể dâng gia tiên và nơi thờ thánh (nhất là nơi thờ thánh Mẫu). Một số người kiêng dùng hoa ly (vì sợ ly tán, chia ly) ở ban thờ gia tiên”
 
Vì hoa mang tên cứt lợn nên không nên đặt lên cúng bàn thờ? Vậy những người nào gọi nó là hoa cúc áo thì có thể cúng? Ở các nước khác gọi nó bằng tên khác thì có thể cúng bình thường? Vậy phong thủy phụ thuộc vào ngôn ngữ của từng người, vậy thì tính khoa học, logic nằm ở đâu?
 
Hoa đại theo tích Lào là chuyện trai gái nên cũng không nên dùng. Tôi là người VN, vậy tôi phải tìm hiểu trong tất cả các kho tàng, sự tích các nước khác để biết nó có liên quan tốt xấu ra sao để tránh né không dùng? Còn việc nhìn nó giống bộ phận sinh dục nữ thì đó là do anh nhìn, còn tôi nhìn nó không giống, mà giống vật gì khác thì sao? Do tâm anh nghĩ xấu nên anh nhìn thấy xấu, ngay cả khi nhìn vào 1 bức tranh nghệ thuật khỏa thân thì có người nghĩ bậy có người thấy đó là tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa, vây thì ai sai ai đúng?
 
Chỉ nên quan niệm thế này, hoa nào đẹp, mà tên đẹp may mắn thì trong tâm tôi thấy yên lòng, vui vẻ nên sắp đặt trong nhà, trên bàn thờ để làm cho tôi thấy tự tin hơn. Bản thân hoa đó không thay đổi dòng khí trong nhà của bạn, khí chính là cốt yếu của phong thủy; những thứ nào không thể thay đổi dòng khí thì tác dụng về phong thủy thật sự không cao mà chủ yếu là trang trí, thẩm mỹ.
 
Hỏi: Chọn tuổi nào xông nhà năm 2014?
 
Bạn thật sự nghĩ rằng họa phúc, may mắn, thuận lợi, xui xẻo, tai nạn trong 1 năm do chọn người xung khắc đến xông nhà à? Đầu năm ra ngõ gặp gái, gặp bà bầu hay con mèo đen là xui?
Theo đạo Phật thì bạn hưởng quả tốt xấu là do nhân thiện ác đã gieo trồng trong quá khứ chứ đâu phải 1 người đến mang lại.
 
Theo lá số tử vi thì họa phúc của bạn là do giờ ngày tháng năm sinh của bạn và can chi của năm đó, đại vận, đại hạn xung hợp mà xét chứ làm sao chỉ do 1 sự kiện đơn lẻ là người tuổi A đến vào ngày mùng 1 mà 364 ngày còn lại của bạn tốt hay xấu được? Nếu bạn làm được điều đó thì xem như đã cải vận được mà không thầy tướng số.
 
Theo phong thủy thì xui xẻo may mắn là do các sao xấu tốt theo năm tháng xoay vần, thiết kế của căn nhà xấu tốt mà cộng hưởng gây nên tốt xấu cho người trong nhà; dĩ nhiên bạn có mời ai đến xông nhà thì cũng không thể thay đổi gì được.
 
Tuy nhiên đây là phong tục truyền thống lâu đời thì bạn có thể làm theo bằng cách mời người nào mình yêu mến, bạn bè thân đến chung vui; không cần phải câu nệ tuổi tác gì cả.
 
Hỏi: Hướng xuất hành tốt đầu năm 2014?
 
Có một điều nhầm lẫn lớn ở đây, đó là hướng xuất hành đúng là có mang lại may mắn tuy nhiên tác dụng của việc này chỉ gói gọn trong cung giờ đó mà thôi chứ không phải đầu năm đi về hướng tốt thì cả năm gặp may mắn.
 
Để nói về hướng xuất hành tốt thì không phải dùng phong thủy, vận mệnh mà là dùng Kỳ Môn Độn Giáp để xét.
Kỳ Môn Độn Giáp là môn cổ học dùng để xét phương hướng đánh trân vào ngày xưa. VD; vào ngày giờ nhất định muốn đánh vào thành A thì phải tiến quân đánh vào cửa Nam thì đại thắng, nếu đánh vào cửa Bắc thì thua, nếu đánh vào Tây thì đại bại, nếu đánh vào Đông thì không phân thắng bại.
 
Kỳ Môn Độn Giáp cũng có thể dùng để bày binh bố trận, bao vây quân thù để quân thù không tìm ra cửa Sinh để thoát được (như trường hợp Gia Cát Lượng bày trân đồ bát quái nhốt Tư Mã Ý) hay có thể dùng để tìm cửa Sinh ở hướng nào để thoát ngục (khám lớn Chí Hòa được Pháp xây bày bố đúng theo Bát Quái là một trận đồ lớn, từ trước đến nay số người vượt ngục được chỉ đếm trên đầu ngón tay).
 
Kỳ Môn Độn Giáp cũng dùng để dự báo chính xác các hiện tượng thiên văn nên việc Gia Cát Lượng biết trước trời sẽ có sương mù để “mượn” mũi tên của Tào Tháo hay “mượn gió Đông” để hỏa công trận Xích Bích là do tính toán thôi, việc ông bày vẽ lập đàn múa may là muốn tăng thêm phần huyền bí, thêu dệt huyền thoại hư hư thật thật cho mình; chứ không có gì huyền bí.
 
Ngày xưa các vị quân sư như Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn rất giỏi những môn này nên họ chỉ đạo các cánh quân mai phục ở đâu, đánh theo phương hướng nào như thần.
 
Tuy nhiên nếu muôn dùng Kỳ Môn Độn Giáp để tư vấn cho bạn nên xuất hành hướng nào thì trước tiên phải biết nhà bạn hướng gì, nơi bạn đến hướng gì, thiết kế có cửa gì để đi, mục đích của bạn đi để mong cầu gì thì mới tư vấn được. Ví như: 9h sáng, ngày mùng 1, đi về hướng Nam thì tìm tình duyên, đi về hướng Bắc thì thuận lợi kinh doanh; khi đi đến nơi đó (nhà người yêu hay nhà đối tác, khách hàng) thì ở chơi ở khu vực hướng Tây hay Đông của nhà đó trong 30 phút rồi mới gõ cửa vào nhà đối tượng thì trong vòng khoảng 2 giờ đó sẽ gặp may mắn như ý (cầu hôn thì người yêu đồng ý, chào hàng thì đối tác ký hợp đồng ngay, kiện tụng thì thắng kiện…). Kỳ Môn Độn Giáp hiện đại được ứng dụng nhiều trong việc ký hợp đồng quan trọng, cãi kiện ở những vụ án quan trọng.
 
Và may mắn, thuận lợi nếu bạn xuất hành thì cũng chỉ có tác dụng trong vòng 2 tiếng đó mà thôi, chứ không phải là suốt cả năm vì qua khung giờ khác mọi thứ lại đổi, các cửa tốt xấu, các sao lại biến đổi. Còn các bài viết nói là nên xuất hành hướng nào thì thậm chí còn không dùng đến cả Kỳ Môn Độn Giáp mà chỉ dùng phép chọn ngày cơ bản nhất mà thôi nên hiệu lực không đáng kể gì cả mà chỉ đọc cho vui thì được.
 
Hỏi: Những phong tục mang ý nghĩa văn hóa mà bị tưởng nhầm là phong thủy?
 
- Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió v.v...

Trong ngày này, người ta kiêng quét nhà vì theo một điển tích của Trung Quốc, nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.

Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay.
- Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt… Nếu ăn những thứ này bào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy.
- Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.

Những thứ kiêng kỵ liệt kê phía trên này hoàn toàn chẳng có hiệu lực gì về phong thủy. Bạn muốn làm theo hay không làm theo cũng chẳng có gì ảnh hưởng.

Hỏi: Ngày mấy khai trương là tốt?

Ngày tốt mà các thầy cho để khai trương tốt nhất là các thầy phải biết hướng nhà mình, hướng cơ sở kinh doanh thì mới có hiệu lực cao. Còn nếu thầy không hỏi hướng nhà, hướng văn phòng, nơi kinh doanh, nơi sản xuất mà chỉ hỏi năm sinh thì hiệu lực đúng không cao. Thầy nào kỹ phải xem đến cả giờ ngày tháng năm sinh của người chủ.

Nên nhớ không có 1 ngày tốt hay xấu chung chung mà ngày đó sẽ tốt đối với người này hay xấu với người kia. Ngày đó nhà bạn có sinh con trai thì đối với bạn là tốt, nhưng nhà người ta có người mất thì ngày đó đối với họ là tốt hay xấu? Cũng vậy ngày tốt hay xấu phụ thuộc cả vào nơi bạn ở, làm việc nữa.

Hỏi: Mùng 5 nên ở nhà, không nên đi lại đúng không?

Mình khuyên bạn nên đi vào mùng 5 vì sướng nhất do thiên hạ ai nấy cũng ở nhà nên bạn đi đường sẽ vắng nhất.

Nguồn gốc của việc kiêng kỵ này là do một số thuật sĩ giang hồ có câu này: “Mồng năm, mười bốn hăm ba. Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn”

5, 14, 23 được gọi là ngày Nguyệt Kỵ. Có người nói ngày này là ngày sinh của những mỹ nhân gây ra tai họa cho các triều đại Trung Quốc, có người nói ngày này là ngày vua đi xa giá nên dân thường không được ra khỏi nhà, không được thấy mặt vua.

Thực chất những ngày này triều cường có nguy cơ dâng cao mà ngày xưa đường xá chưa thuận lợi, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng thuyền nhiều (những trung tâm thương mại lớn của Việt Nam ngày xưa: phố Hiến, Hội An, Hà Nội, Hà Tiên đều nằm ở nơi giao thông thủy thuận lợi) nên khi triều cường dâng bất ngờ dễ gây tai nạn thuyền bè chết người, hàng hóa chìm.

Ngày nay người ta đi xe cộ, máy bay, ít dùng thuyền bè đi lại (trừ miền Tây Nam Bộ) thì có gì lại phải kiêng kỵ? Trừ khi nhà bạn nằm ở các vùng triều cường gây vỡ đê bao như Thủ Đức thì phải nhớ để sắp xếp kế hoạch đi làm, đi học không bị ảnh hưởng lụt lội. Hoặc nếu bạn có đi đòi nợ khách hàng cũng cần nhớ vì mấy ngày đó thì người làm ăn lớn kỵ ra đường, chắc chắn có ở nhà, đến đòi là gặp.
 
Có 1 câu chuyện hài như thế này: người vợ bất kể cá lớn nhỏ đều chặt làm đôi rồi mới bỏ vào chảo để chiên hay bỏ vào nồi để nấu. Người chồng thắc mắc hỏi thì vợ nói là do mẹ vợ làm như vậy; người chồng đi hỏi mẹ vợ thì mẹ vợ nói là do bà ngoại làm như vậy nên bắt chước làm theo chứ cũng không rõ lý do. Người chồng đi hỏi bà ngoại vợ thì cụ cho biết ngày xưa nghèo nên chỉ có nồi, chảo xong nhỏ mà cá lớn nên mới phải chặt làm đôi rồi mới chiên, nấu.
 
Người mẹ vợ rồi đến người vợ đều bắt chước người xưa mà không rõ lý lẽ bên trong, ngày nay nhà đã có chảo, nồi lớn mà vẫn tiếp tục như xưa, liệu có phải gọi là mê tín dị đoan hay không? Mê tín chính là tin theo mà không biết đâu là chính, là phải, lý do vì sao ngày xưa phải như vậy, ngày nay đã thay đổi thì nên thế nào.
 
Nếu áp dụng xuất hành vào mùng 5 Tết thì tuyệt vời, ai cũng sợ không đi, thì bạn tha hồ đường rộng thênh thang để đi lại; nhất là những ai đón Tết ở quê rồi về lại TPHCM hay Hà Nội để làm việc thì không sợ tắc nghẽn, xe đông.
 
Chúc các bạn đón những ngày tết Giáp Ngọ vui vẻ ấm áp bên gia đình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét