Ở đời có 3 yếu tố tác động đến thành công và thất bại khi chúng ta mong
cầu 1 thứ gì đó: Thiên Thời - Địa Lợi - Nhân Hòa. Ví dụ như cầu con, cầu
công danh, sự nghiệp, tiền tài, vợ đẹp...tất cả đều nên dùng cả 3 yếu
tố thì khả năng thành công sẽ rất cao. Mấy bữa trước đã nói quá nhiều về
phong thủy, phép màu nào dù có mầu nhiệm nhưng cũng không qua được sự
kỳ diệu của Thiêng Liêng (nói Thiêng Liêng để nhiều bạn có thể đồng cảm
được dù cho theo bất kỳ tôn giáo nào), khi gieo hạt lúa chắc chắn được
một bồ gạo to.
Xin giới thiệu lại một bài viết của mình ở diễn đàn nghiên cứu về ngoại cảm, tiềm năng con người đã đăng từ khá lâu về đề tài "Nhân Quả" hay chính là đề cập tới Nhân Hòa. Ở đây chỉ xét dưới góc độ đạo đức, hoàn toàn không phải là Thiên Địa Nhân trong góc nhìn của phong thủy Tam Nguyên.
1. Mô tả Luật Nhân Quả một cách sơ lược nhất?
Hãy hình dung cuộc đời của bạn như một mảnh đất. Khi mỗi người sinh ra
trên cuộc đời giống như một mảnh đất hoàn toàn trống không có bất cứ cây
cỏ gì trên đó. Khi chúng ta làm 1 việc gì đó thì cũng giống như việc
gieo trồng trên mảnh đất của chính mình. Mỗi khi chúng ta làm 1 việc tốt
cũng như việc gieo 1 hạt lúa giống trên mảnh đất của mình. Mỗi khi
chúng ta làm 1 việc xấu cũng như việc gieo 1 hạt cỏ dại trên mảnh đất
của mình.
Hạt lúa sẽ thành cây lúa; cây lúa phát triển cho ra gạo cơm thành quả
của chúng ta. Còn hạt cỏ dại sẽ làm mảnh đất cuộc đời ta toàn cỏ dại.
2. Khi tôi làm 1 việc tốt, có phải sẽ được hưởng 1 quả tốt không?
Mỗi khi chúng ta làm 1 việc tốt, tựa như việc trồng 1 hạt lúa trên mảnh
đất của mình. Một việc tốt thôi chỉ như 1 nhân tốt và nếu không được
tiếp tục chăm bón, bỏ công vất vả để vun trồng thì cũng tựa như đã gieo 1
hạt giống lúa tốt, nảy mầm nhưng phát triển èo uột thiếu phân thiếu
nước làm sao phát triển thành cây lúa tốt? Vả lại, cần có 1 thời gian để
cây kết quả, lúa trĩu hạt; làm sao anh mong đợi hôm nay làm 1 việc tốt;
ngày mai ra đường gặp may mắn? Lúa phải mất 3-5 tháng mới thu hoạch
được; cây ăn trái cũng mất 1 khoảng thời gian mới kết quả được. Vậy thì
làm 1 việc tốt tựa như mong muốn tích công bồi đức phải mất 1 thời gian
mới gặt được quả tốt và dĩ nhiên là phải liên tục làm việc thiện đức để
tiếp tục vun trồng cho cây lớn, ra hoa và kết quả chứ không chỉ làm 1
việc tốt rồi bỏ luôn; 1 thời gian sau mới làm tiếp 1 việc tốt tiếp theo
thì cũng như gieo hạt rồi vứt đó dăm bữa nửa tháng mới quay lại tưới bón
thì cây nào mà phát triển được. Do đó đã làm việc thiện đức thì nên
kiên trì, làm liên tục lúc nào còn có thể thì đều đặn làm chứ không phải
làm kiểu phong trào “đóng góp giúp đồng bào lũ lụt” 1 năm làm 1-2 lần
rồi vỗ ngực xưng tên ta đây làm từ thiện. Nếu làm kiểu đó chỉ phí tiền
và công sức chứ hoàn toàn không thu hoạch được quả tốt nào.
3. Vậy thì chỉ có những đại gia tiền tỷ mới có thể làm từ thiện liên tục
và được hưởng những quả tốt? Còn những người nghèo ít tiền thì không có
điều kiện để tự vun trồng nhân tốt, gặt hái quả tốt cho chính mình?
Phật tại tâm, nếu chúng ta có tiền để làm từ thiện thì cái chúng ta nhận
được là phước đức. Nếu ít tiền chúng ta có thể dùng công sức của mình
để làm, cái chúng ta nhận được là công đức. Điều quan trọng là không
phải chúng ta bỏ thật nhiều tiền hay công sức ra để làm việc thiện đức 1
lần rồi bỏ luôn; 1 thời gian dài sau này mới tiếp tục làm lại. Mà là có
thể bỏ tiền/công sức chia ra thành nhiều lần để đóng góp. Người giàu có
nhiều tiền thì họ đóng góp tiền tỷ, người không có nhiều tiền vẫn có
thể làm từ thiện bằng cách quyên góp số tiền nhỏ hoặc nếu không có tiền
thì dùng khả năng làm việc của mình để giúp vào.VD: không có tiền hỗ trợ
xây nhà tình nghĩa thì có thể tặng áo quần cũ hay góp sức trộn hồ tô
tường. Cái đáng quý là ở tâm của họ: nếu anh làm từ thiện với mong muốn
nổi danh; lấy tiếng nhà hảo tâm, còn nếu anh làm với mong muốn giúp đỡ
người khác bằng hết sức của mình thì kết quả nhận được dĩ nhiên sẽ khác
nhau.
4. Mất bao lâu kể từ khi tôi gieo nhân tốt cho đến lúc nhận được quả
tốt? Nếu như tôi gieo nhân tốt, làm nhiều việc thiện đức liên tục mà mãi
vẫn chưa thấy quả tốt thì sao?
Mất bao lâu để nhận được quả tốt thì xin thưa rằng chưa biết. Nó còn tùy
thuộc vào việc anh làm là gì cũng như hạt giống anh gieo trồng là gì.
Ví như việc anh giúp đỡ quyên tiền viện phí chữa 1 người bị bệnh hiểm
nghèo thoát chết và việc anh quyên tiền cho người khác uống thuốc chữa
cảm cúm; hạt giống khác nhau dĩ nhiên quả nhận được và thời gian thu
hoạch sẽ khác nhau. Tuy vậy, cần lưu ý, nếu anh làm việc phước đức mà
chỉ mong sớm thu hoạch trái ngon quả ngọt để hưởng thì cái quả anh hưởng
nó không bền vững và chỉ mang tính ngắn hạn, mùa vụ thôi. Tựa như anh
đi làm 1 việc tốt cho Thiêng Liêng rồi anh đòi hỏi Thiêng Liêng phải
thưởng cho anh điểm này nọ, thực ra thì Thiêng Liêng cũng rất công bằng
thôi; có công thì thưởng có tội thì phạt nhưng thái độ đòi hỏi như vậy
không phải là thái độ nên có ở một người làm công đức giúp người.
Có một trường hợp mình đã từng nghiệm chứng như sau: chị này căn bản
sinh ra có số rất nghèo, cơ cực long đong cả cuộc đời. Dù là chỉ xem tử
vi trên giấy hay biết hoàn cảnh chị ngoài đời cũng không ai tin chị có
thể giàu lên. Chị lại rất tin luật Nhân Quả nên dù ít tiền nhưng có bất
cứ trường hợp nào có thể làm công quả, công đức chị đều không từ chối.
Mãi miết gieo trồng nhân tốt đến hơn hai mươi mấy năm sau thì tự nhiên
có những cơ may từ trên trời rơi xuống, quý nhân từ đâu xuất hiện giúp
đỡ vốn liếng cho chị làm ăn khấm khá dần; giờ chị đã trở thành người rất
giàu có. Như vậy để thấy rằng quả tốt phải mất 1 thời gian mới sinh sôi
nảy nở được, thời gian kết quả có thể rất dài.
5. Như vậy thì khi làm 1 việc tốt hay 1 việc xấu, tôi sẽ nhận được 1 quả tốt hay 1 quả xấu?
Không phải như vậy. 1 nhân tốt tựa như hạt lúa khi gieo trồng và phát
triển thì có khi nào lại biến thành 1 cây lúa chỉ cho 1 hạt lúa? Một cây
lúa sẽ sinh ra nhiều hạt lúa. Như vậy Thiêng Liêng đã ban thưởng cho
ta; khi ta làm 1 việc tốt tựa như gieo 1 nhân tốt; khi được thưởng ta sẽ
được hưởng thêm nhiều quả tốt. Và không chỉ dừng ở đó. Nếu như 1 hạt
giống lúa tốt được gieo, thành 1 cây lúa gồm nhiều hạt, và những hạt lúa
của cây này lại tiếp tục trở thành nhân của những cây lúa trong tương
lai. Như vậy nhân này thành quả kia; quả kia thành nhân nọ; cứ như vậy
nhân lên hằng hà sa số. Nếu chúng ta làm 1 việc tốt, có khả năng chúng
ta được thưởng nhiều; ngược lại nếu làm 1 việc xấu; có khả năng chúng ta
bị phạt rất nặng. Do đó 1 việc tốt dù nhỏ cỡ nào cũng nên xắn tay áo
vào làm; 1 việc xấu dù nhỏ cỡ nào cũng nên tránh xa.
Vd: khi ăn xong 1 trái chuối, chúng ta lười không vứt thùng rác mà tiện
tay ném ra đường. Một em bé hay bà cụ đi ngang trượt vỏ chuối té ngã,
chấn thương sọ não và mất đi làm đau khổ cho cả gia đình. Tuy nhiên sau
khi vứt vỏ chuối ra đường ta đã quay lưng đi rồi nên không hay biết là
việc xấu của mình làm ảnh hưởng đến biết bao nhiêu người; vậy là do vô
minh chúng ta vô tình tự gieo nhân xấu cho chính mình.
6. Vậy khi tôi làm 1 việc xấu thì lập tức làm 1 việc tốt ngay để xem như huề; không bị Thiêng Liêng quở phạt?
Trong tự nhiên, năng lực của cái xấu bao giờ cũng mạnh hơn cái tốt. Nhìn
ra 1 mảnh đất trống, không ai gieo trồng sao vẫn tự nhiên xuất hiện cỏ
dại. Có ai trồng cỏ dại đâu? Mà sao mảnh đất không tự nhiên xuất hiện
lúa. Như vậy cái xấu của mỗi chúng ta tự nhiên sẽ xuất hiện mà không cần
chúng ta khơi gợi và công việc tu sửa chính mình chính là ngoài việc
gieo trồng lúa (làm việc thiện) ra còn phải thường xuyên làm sạch cỏ dại
trên đất của mình (tu sửa bản thân). Nếu không cỏ sẽ ăn lúa. Chúng ta
cứ trồng thử 1 mảnh đất toàn bộ lúa và 1 mảnh đất toàn bộ là cỏ dại và
xem như không chăm sóc tưới bón gì cho 2 mảnh này; cứ để cho chúng tự
phát triển. Một tháng sau chúng ta quay lại mảnh đất cỏ dại sẽ phát
triển và lấn lướt mảnh đất trồng lúa thậm chí phát triển sang mảnh đất
ruộng lúa và cây lúa sẽ èo uột và chết dưới sự tấn công của cỏ dại.
Như vậy nếu anh không làm 1 việc xấu hay 1 việc tốt nào, cỏ dại cũng sẽ
tự nhiên phát triển trên mảnh đất của anh và làm cho đất của anh không
trồng được cây gì cả. Nếu anh muốn bắt đầu trồng hạt giống tốt thì trước
tiên phải làm sạch mảnh đất của mình bằng cách nhổ sạch cỏ dại; sau đó
mới có thể trồng hạt giống tốt được. Một người nếu như chỉ muốn trồng
lúa mong thu hoạch (làm việc tốt mong được tích công bồi đức) mà không
nhổ cỏ dại (không sửa đổi tính nết; rèn luyện Bi Trí Dũng hay giữ gìn
Thân Khẩu Ý) thì bao nhiêu công sức trồng lúa sẽ đổ sông đổ biển vì cỏ
dại rút cuộc sẽ thắng lúa.
7. Vậy có khi nào gieo nhân tốt mà nhận được quả xấu không? Như việc làm ơn mắc oán không?
Có trường hợp mình từng đọc báo như sau: ông A vì lòng tốt cho ông B
mượn tiền để xoay xở trong cảnh khó khăn. Ông B sau khi giải quyết được
khó khăn thì tiếc vì phải trả lại tiền nên nghĩ cách nói xấu, bêu rếu
ông A để mọi người nghĩ xấu cho ông A và ông A vì xấu hổ sẽ không dám
đòi lại tiền. Kỳ thực, làm 1 việc tốt cũng như trồng 1 hạt giống, nếu
như nhận được những thứ xấu xa dơ bẩn như phân thì tốt chứ sao? Vì cây
muốn phát triển tốt thì có thêm phân vào; chứ có ai đem nước hoa thơm
tho; trầm thơm để cho cây phát triển không? Do đó nếu làm ơn mắc oán
cũng như việc gieo hạt tốt mà phải chịu phân thúi thì xem như cám ơn
người khác đã giúp cây phát triển tốt. Nếu 1 người làm việc tốt mà người
khác bêu rếu nói xấu thì sớm muộn cũng sẽ lộ rõ chân dung thực tướng
thôi; lúc mọi người hiểu rõ thì càng thêm quý mến mình. Không nên vì
người khác nói xấu mình mà mình cũng đi làm điều tương tự với người ta;
vì như vậy chỉ làm tổn đức của mình thôi. Cuối cùng quả mình nhận được
vẫn là tốt do nhân tốt phát triển thành.
8. Như vậy thì nếu quá khứ tôi làm việc xấu, cuộc đời của tôi trong tương lai sẽ ra sao?
Quá khứ không thay đổi được, muốn biết quả tương lai hãy xem nhân hiện
tại của chúng ta. Nếu hiện nay ngày nào chúng ta cũng đi gieo hạt chanh
thì không cần đi hỏi thầy bói cũng biết tương lai chúng ta sẽ nhận được 1
cây chanh to đùng với hàng chục quả chanh và hàng ngàn hạt chanh giống
tương lai. Nếu hiện nay ngày nào chúng ta cũng gieo hạt lúa thì chắc
chắn tương lai sẽ nhận được cánh đồng lúa trổ đòng đòng trĩu hạt. Hạt
lúa sinh hạt lúa; hạt chanh sinh hạt chanh. Điều đó là không thay đổi
được.
Nếu quá khứ từng làm điều xấu thì hiện tại có thể làm sạch cỏ; bắt đầu
trồng lúa để tương lai hưởng quả lành. Do đó nên tâm niệm 1 điều rằng:
Tương lai được làm nên từ chất liệu của hiện tại. Gieo gió thì gặt bão,
gieo lúa gặt lúa. Cỏ dại không ai gieo vẫn mọc tốt. Vậy thì bạn và tôi
nên gieo gì hôm nay?
Sau khi đọc xong bài này nếu bạn cảm thấy hợp lý thì nên mau mau đi gieo
một hạt lúa cho tâm hồn mình sớm trổ quả, đời mình sớm có bóng mát, quả
ngọt lành.
Nguyen Thanh Phuong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét